Ông bà ta có câu “Phi thương bất phú” vậy nên rất nhiều bạn trẻ mới ra trường hoặc đôi khi còn trên ghế nhà trường cũng ấp ủ mộng làm giàu bằng cách tự kinh doanh một sản phẩm gì đó. Tuy nhiên không phải ai kinh doanh cũng thành công và số lượng người thành công chỉ chiếm 1 lượng cực kỳ nhỏ trong số những người khởi nghiệp. Vậy lý do nằm ở đâu?
Bài viết nãy sẽ hướng dẫn cho các bạn một mô hình phù hợp trong giai đoạn các bạn đang có suy nghĩ khởi nghiệp. Nắm được mô hình các bạn sẽ giảm thiểu được rủi ro, biết được nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm, cắt bỏ những chi phí thừa mà khách hàng không quan tâm để giảm chi phí cho sản phẩm.
Mô hình kinh doanh khởi nghiệp (Lean Startup) được triển khai theo các bước chính như sau:
1. Xác định ý tưởng kinh doanh: Bước đầu tiên là xác định một ý tưởng kinh doanh tiềm năng để khởi nghiệp. Ý tưởng này nên phù hợp với thị trường và có khả năng tạo ra giá trị cho khách hàng. Ý tưởng của bạn phải nhắm vào vấn đề thực tế của thị trường, đưa ra giải pháp để xử lý vấn đề đó, nghiên cứu xem trên thị trường đã có bao nhiêu doanh nghiệp đã làm và mức độ hiệu quả của họ ra sao khi xử lý vấn đề mà bạn đang thấy.
2. Xác định khách hàng mục tiêu: Tiếp theo, cần xác định nhóm khách hàng mục tiêu để phù hợp với nhu cầu của họ. Ý tưởng kinh doanh của bạn nhắm vào tập đối tượng khách hàng cụ thể nào, số lượng ra sao (nhiều hay ít), họ sống ở đâu, tìm ra tất cả thông tin của họ từ độ tuổi, giới tính cho đến sở thích và hành vi.
3. Tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ MVP: Sau khi xác định khách hàng mục tiêu, cần phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ MVP (Minimum Viable Product), nghĩa là phiên bản tối thiểu của sản phẩm hoặc dịch vụ để thử nghiệm ý tưởng với khách hàng. Sản phẩm hoặc dịch vụ tối thiểu là một bước để bạn test sản phẩm của mình đến với tập khách hàng mà bạn nghĩ là tiềm năng, với MVP nó sẽ giúp bạn giảm thiểu chi phí để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ. Ví dụ bạn kinh doanh sản phẩm vật lý thì bạn có thể chưa vội nhập hàng hoặc nhập với số lượng ít để test xem khách hàng của bạn có chấp nhận nó hay không, giải pháp của bạn đưa ra có phải là thứ thị trường đang cần hay không.
4. Kiểm tra và đánh giá: Bằng cách thu thập phản hồi và dữ liệu từ khách hàng, cần kiểm tra và đánh giá sản phẩm hoặc dịch vụ để tìm ra những điểm yếu và cải thiện. Từ những phản hồi của khách hàng bạn sẽ biết được độ hấp thụ sản phẩm của bạn trên thị trường như thế nào, mình còn thiếu cái gì, cần bổ sung cái gì để có thể làm tốt hơn cho sản phẩm cũng như khách hàng mục tiêu của mình.
5. Cải tiến sản phẩm hoặc dịch vụ: Dựa trên phản hồi và dữ liệu thu thập được từ khách hàng, cần cải tiến sản phẩm hoặc dịch vụ để tối ưu hóa giá trị cho khách hàng. Từ những thứ chúng ta thu thập được trong bước 4 thì mình cần phải từng bước cải tiến sản phẩm của mình tuỳ thuộc vào mức độ nhu cầu của khách hàng.
6. Lặp lại quá trình: Tiếp tục lặp lại quá trình kiểm tra và đánh giá, cải tiến sản phẩm hoặc dịch vụ cho đến khi đạt được một sản phẩm hoặc dịch vụ hoàn thiện. 1 sản phẩm hoàn thiện là một sản phẩm đi kèm với giải pháp phù hợp, nó có thể không phải là một sản phẩm ưu việt nhưng nó là một sản phẩm có thể chấp nhận được trong tập khách hàng mục tiêu với mức chi phí hợp lý. 1 sản phẩm hoàn thiện nó không có nghĩa là mãi mãi, nó vẫn cần lặp lại quy trình trên để đảm bảo được rằng tính hoàn thiện này luôn có những phiên bản sau đó tốt hơn nữa đối với người dùng.
Mô hình kinh doanh khởi nghiệp (Lean Startup) tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa chi phí và tăng tốc độ phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ. Đó là giá trị cốt lõi của mô hình, hy vọng sẽ giúp ích được cho các bạn trẻ đang có mong muốn khởi nghiệp. Đây là mô hình tư duy khởi nghiệp, để đạt được thành công trong thời đại này các bạn phải biết kết hợp nó với các mô hình marketing và giải pháp marketing nhằm giúp sản phẩm của mình có thể tiếp cận được khách hàng của mình nhiều nhất với mức chi phí phù hợp nhất.
Tác Giả

-
Tên Thật: Phan Thanh Giang
Profile FB: https://www.facebook.com/vnseomaster
Admin Group: Nghiện SEO
Với mong muốn chia sẻ kiến thức đã được học, được làm và những bài học rút ra trong hơn 10 năm làm trong lĩnh vực Marketing, đây có thể là một nguồn tham khảo thêm về kiến thức cho các bạn trẻ mới bước chân vào thế giới Marketing.